IoTThông tin công nghệ
“Internet of thing” sẽ giúp giảm bớt những cái chết như của Trần Lập

Cái chết của ca sĩ Trần Lập dù đã đi qua nhưng nó để lại nhiều dư âm, trong đó có nỗi lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Kết nối vạn vật (Internet of Things) đang mở ra một kỷ nguyên nông nghiệp hiện đại, an toàn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng này cũng đang nhen nhóm tại Việt Nam, cho chúng ta hy vọng về một ngày mai không thực phẩm bẩn.
Quản lý tưới tiêu, bón phân thông minh
Các quốc gia phát triển là những nước đi đầu thế giới trong việc hiện đại hóa, tự động hóa lĩnh vực nông nghiệp. Từ việc làm đất, tưới tiêu, bón phân đến thu hoạch đều được tự động hóa. Với sự phát triển của IoT, những hệ thống này không còn quá cao xa với những quốc gia đang phát triển.
![]() |
Hệ thống tưới tự động dựa trên các cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ |
Phần lớn các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đều sử dụng các thiết bị cảm biến để đo đạc được độ ẩm, nhiệt độ không khí; độ ẩm và một số thông số về dinh dưỡng của đất trồng. Các thông số này sẽ được thu thập và gửi về hệ thống trung tâm để phân tích, đối chiếu với đặc tính của từng loại cây trồng cụ thể, tự đó đưa ra quyết định tối ưu về lượng nước, lượng phân bón. Tất cả sẽ được tính toán chính xác và thực hiện tự động chứ không cần sự can thiệp của con người.
Nhờ đó, các điều kiện dinh dưỡng đối với cây trồng sẽ được tối ưu, cho mức sinh trưởng tốt nhất. Tránh được các trường hợp sử dụng các loại “thần dược” thúc đẩy tăng trưởng.
Quản lý dịch bệnh để giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu
Sử dụng Pheromones là một trong những giải pháp sinh học có hiệu quả trong dự tính, dự báo và phòng trừ sâu hại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một chất có tác dụng hấp dẫn giới tính để thu hút các con sâu tới giai đoạn trưởng thành. Bẫy có Pheromones sẽ bắt các sâu trưởng thành, tránh để chúng đẻ trứng, từ đó làm giảm lượng sâu được sinh sôi ra. Những thử nghiệm thực tế cho thấy việc sử dụng phương pháp này giúp giảm số lần phải sử dụng thuốc trừ sâu trên rau củ từ 2-3 lần so với thông thường.
Nhiều giải pháp trên thế giới đã đưa pheromones vào hệ thống cảm biến không dây để giảm sát số lượng sâu bệnh của mình. Khi phát hiện số lượng sâu bệnh trở nên quá cao, hệ thống sẽ thực hiện phân tán pheromones, ngăn cản quá trình kết đôi và sinh sôi của sâu bệnh.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam
Khoảng 70% dân số Việt Nam đang lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tin mừng là hiện không ít doanh nghiệp nông nghiệp đang rất tích cực sử dụng các hệ thống giải pháp nói trên vào hoạt động sản xuất rau củ quả. Lâm Đồng hiện được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 20% diện tích đất tại đây đang được canh tác bằng các giải pháp công nghệ cao. Những gương mặt nổi bật phải kể tới như Agri VINA, Dalat Organik, Đà Lạt G.A.P…
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua các hệ thống quản lý, giám sát nông nghiệp thông minh của nước ngoài. Đó là động lực để các nhà cung cấp giải pháp trong nước cho ra mắt sản phẩm. Mimosa Tek là một trong những gương mặt nổi bật hiện nay với giải pháp tưới tiêu thông minh cho phép giám sát (gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng, độ ẩm đất); cảnh báo các điều kiện môi trường bất lợi như khô, hạn, úng; điều khiển theo chương trình tưới chính xác tại bất kỳ nơi đâu; …
Ngoài giải pháp dành cho trồng trọt, vừa qua Mimosa Tek đã cùng hợp tác với trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC), khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng IoT cho sản xuất nuôi tôm ở thôn Hoà Hiệp (Long Hoà, Cần Giờ, TP.HCM). Mô hình đã hoàn thiện với các chức năng đo nhiệt độ nước, đo độ pH và nồng độ oxy trong nước, kết nối đưa dữ liệu về trung tâm để phân tích và ra quyết định tư vấn gửi lại máy tính của người dân.
Các bẫy Phenomones hiện cũng đã được sử dụng tại Việt Nam song mới mang tính thủ công, người dân tự thấy lượng sâu bệnh gia tăng, tự mua bẫy về đặt. Tuy nhiên, với sự phát triển của các giải pháp công nghệ cho nông nghiệp trong nước hiện nay, việc tích hợp tính năng giám sát lượng sâu bệnh và giải pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh này sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần.
Dù rằng số lượng doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động nuôi trồng vẫn còn đang chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn trong cả thị trường nông nghiệp song điều đó cũng cho thấy một thị trường thực phẩm an toàn đang dần hình thành.
Theo xahoithongtin